Địa chỉ: 12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN
Quý khách liên hệ với chúng tôi
0911771155
Luathoangsa@gmail.com
ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HÀ NỘI
CÔNG TY LUẬT HOÀNG SA
Địa chỉ: 12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN
Phân biệt hợp đồng dân sự và hợp đồng thương mại.
Hợp đồng là văn bản pháp lý thiết yếu cho các hoạt động trong đời sống và đặc biệt trong hoạt động thương mại của mỗi doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần phân biệt được các loại hợp đồng khác nhau và khi nào sử dụng loại nào để tránh các hệ quả pháp lý không mong muốn trong các tranh chấp trong tương lai.
Sau đây Công ty Luật Hoàng Sa xin giới thiệu sự khác biệt căn bản của 2 loại hợp đồng thông dụng nhất trong đời sống và kinh doanh là hợp đồng dân sự và hợp đồng thương mại.
1. Khái niệm chung
- Hợp đồng dân sự là các loại hợp đồng thông thường phát sinh trong các quan hệ dân sự được điều chỉnh bởi Bộ Luật Dân sự.
- Hợp đồng thương mại là hợp đồng phát sinh trong hoạt động thương mại. Đó là các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác do thương nhân thực hiện và được điều chỉnh bởi Luật Thương mại.
2. Chủ thể hợp đồng
- Người có năng lực hành vi dân sự có thể tham gia ký kết hợp đồng dân sự là những người từ 18 tuổi trở lên (nếu dưới 18, có những quy định riêng về sự chấp thuận của người đại diện pháp luật v..v..). Các bên ký kết hợp đồng dân sự không nhất thiết phải có tư cách pháp nhân.
*Ví dụ: Hợp đồng thuê người giúp việc nhà, hợp đồng mua bán đồ dùng giữa 2 cá nhân...
- Hợp đồng thương mại là thoả thuận giữa các "thương nhân" hoặc tổ chức, cá nhân khác hoạt động có liên quan đến thương mại. Theo Luật Thương mại, "thương nhân" bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh và có quyền hoạt động thương mại trong các ngành nghề, tại các địa bàn, dưới các hình thức và theo các phương thức mà pháp luật không cấm. Tuy nhiên, có một số giao dịch thương mại còn đòi hỏi chủ thể giao kết hợp đồng phải có tư cách pháp nhân.
*Ví dụ: Hợp đồng cung cấp dịch vụ giữa 2 công ty, hợp đồng bán hàng xuất khẩu...
3. Mục đích hợp đồng
Điểm khác biệt lớn nhất của 2 loại hợp đồng này là hợp đồng thương mại được lập ra nhằm hướng tới phát sinh lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh thương mại. Các hoạt động thương mại có thể là hoạt động mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, xúc tiến thương mại, đầu tư. Trong khi đó hợp đồng dân sự có thể có mục đích sinh lợi hoặc không có mục đích sinh lợi (ví dụ như hợp đồng tặng, cho).
4. Hình thức và luật điều chỉnh
- Thông thường, các hợp đồng dân sự sẽ được điều chỉnh bởi Bộ Luật Dân sự và các luật liên quan tới nội dung thoả thuận. Trong khi đó, các hợp đồng thương mại sẽ chịu sự điều chỉnh của Luật Thương mại, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp...
- Tuy nhiên những hợp đồng/thoả thuận không nhằm mục đích sinh lợi của một bên trong giao dịch với thương nhân thực hiện tại Việt Nam trong trường hợp bên thực hiện hoạt động không nhằm mục đích sinh lợi đó chọn áp dụng Luật Thương mại thì hợp đồng đó vẫn chịu sự điều chỉnh của Luật Thương Mại.
- Các hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng miệng nhiều hơn thông qua sự tín nhiệm, giao dịch đơn giản, có tính phổ thông và giá trị thấp. Trong khi đó các hợp đồng thương mại (với tính chất giá trị lớn hơn, phức tạp hơn hay do pháp luật yêu cầu) thường được giao kết bằng văn bản và được công chứng để tăng giá trị pháp lý và đảm bảo sự rõ ràng trong quyền và nghĩa vụ các bên.
5. Cơ quan giải quyết tranh chấp
Đáng chú ý là các tranh chấp phát sinh từ hợp đồng thương mại nếu các bên không tự giải quyết được thì có thể nhờ cơ quan Tòa án hoặc Trọng tài giải quyết theo sự lựa chọn của các bên. Trong khi tranh chấp của hợp đồng dân sự chỉ có thể được giải quyết riêng giữa 2 bên hoặc đưa ra toà án chứ không được sử dụng Trọng tài.
6. Phạt vi vi phạm hợp đồng
- Phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng. Theo quy định của cả Bộ luật dân sự và Luật Thương mại thì bên vi phạm hợp đồng chỉ phải chịu phạt vi phạm nếu các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm hợp đồng.
- Luật Thương mại quy định tổng mức phạt vi phạm cho hợp đồng thương mại không được vượt quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp vi phạm Hợp đồng dịch vụ giám định.
- Đối với các Hợp đồng dân sự thì mức phạt vi phạm trong Hợp đồng dân sự do các bên thỏa thuận và không bị khống chế bởi Bộ Luật Dân sự.
Quý khách liên hệ với chúng tôi
Đặt câu hỏi miễn phí