Một số điểm mới cơ bản của bộ luật dân sự năm 2015 phần 2

ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT HOÀNG SA

Địa chỉ: 12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN

Một số điểm mới cơ bản của bộ luật dân sự năm 2015 phần 2.


1. Về phạm vi điều chỉnh của Bộ luật dân sự (Điều 1).

Xác định rõ phạm vi chủ thể của quan hệ dân sự chỉ bao gồm cá nhân và pháp nhân; (không có chủ thể khác như BLDS 2005); đồng thời, làm rõ bản chất của quan hệ dân sự, không liệt kê cụ thể các loại quan hệ dân sự.

Việc tham gia của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân được thực hiện thông qua các thành viên hoặc thông qua người đại diện.

2. Về nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự (Điều 3)

Quy định 05 nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự.

So sánh với BLDS năm 2005:

- Quy định bao quát hơn, chỉ trong 01 điều luật, thay vì quy định thành 01 chương (Chương II Phần thứ nhất) với 09 điều luật (từ Điều 4 đến Điều 13) như trước đây;

3. Về áp dụng Bộ luật dân sự, tập quán và tương tự pháp luật (các điều 4, 5 và Điều 6 - BLDS 2005 tại Điều 3 chỉ quy định về áp dụng tập quán, quy định tương tự)

- Điều 4 về áp dụng BLDS xác định: Bộ luật dân sự là luật chung điều chỉnh các quan hệ dân sự; các luật khác điều chỉnh quan hệ trong các lĩnh vực dân sự cụ thể không được trái với các nguyên tắc cơ bản (tại Điều 3) của pháp luật dân sự; trường hợp luật khác có liên quan không có quy định hoặc có quy định nhưng trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự thì quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 được áp dụng.

Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Bộ luật dân sự và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế

Quy định này đã xác định rõ hơn việc xử lý mối quan hệ giữa Bộ luật dân sự (luật chung) và luật khác có liên quan (luật chuyên ngành)

- Điều 5, 6 BLDS quy định: Trường hợp phát sinh quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự mà các bên không có thoả thuận, pháp luật không có quy định thì có thể áp dụng tập quán; trường hợp cũng không có tập quán thì áp dụng tương tự pháp luật; trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật thì áp dụng những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ và lẽ công bằng để giải quyết vụ, việc dân sự. Quy định này đã xác định rõ thứ tự áp dụng Bộ luật dân sự, tập quán, tương tự pháp luật, án lệ và lẽ công bằng.

4. Về xác lập, thực hiện và bảo vệ quyền dân sự (Chương II, từ Điều 8 đến Điều 15)

Thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện quyền dân sự, Bộ luật dân sự năm 2015 quy định như sau:

- Cá nhân, pháp nhân thực hiện quyền dân sự theo ý chí của mình nhưng không được trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và không được vi phạm quy định về “Thực hiện quyền dân sự” được quy định tại Bộ luật dân sự (Điều 9);

- Giới hạn việc thực hiện quyền dân sự: Cá nhân, pháp nhân không được lạm dụng quyền dân sự để gây thiệt hại cho người khác, để vi phạm các nghĩa vụ của mình hoặc để thực hiện mục đích khác trái pháp luật (khoản 1 Điều 10);

- Các phương thức bảo vệ quyền dân sự (Điều 11-14):

Cá nhân, pháp nhân có quyền tự bảo vệ quyền dân sự của mình theo quy định của pháp luật. Tòa án, cơ quan có thẩm quyền khác có trách nhiệm bảo vệ quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân với 07 phương thức quy định tại Điều 11.

Trường hợp quyền dân sự bị vi phạm hoặc có tranh chấp thì việc bảo vệ quyền được thực hiện theo pháp luật tố tụng tại Tòa án hoặc Trọng tài.

Việc bảo vệ quyền dân sự theo thủ tục hành chính được thực hiện trong những trường hợp luật định. Quyết định giải quyết vụ việc theo thủ tục hành chính có thể được xem xét lại tại Tòa án.

Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng; trong trường hợp này, quy định về áp dụng tập quán, tương tự pháp luật, nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ  và lẽ công bằng được áp dụng để xem xét, giải quyết vụ việc (Điều 12 và Điều 14).

So sánh với BLDS năm 2005: Điểm mới nổi bật nhất là quy định việc Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, phù hợp với tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Đây là quy định tiến bộ, đã xác định rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc giải quyết mọi tranh chấp trong nhân dân, góp phần bảo đảm ổn định trật tự xã hội.

- Quy định về Hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền được đưa vào BLDS (Điều 15)

5. Về năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự của cá nhân (mục 1 Chương 3)

Bổ sung quy định về: Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi  ĐiỀU 23). Do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của người này, người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và chỉ định người giám hộ, xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.

6. Về quyền nhân thân (mục 2 Chương 3)

- Quyền được khai sinh, khai tử (Điều 30 khoản 3) bổ sung: Trẻ em sinh ra mà sống được từ hai mươi bốn giờ trở lên mới chết thì phải được khai sinh và khai tử; nếu sinh ra mà sống dưới hai mươi bốn giờ thì không phải khai sinh và khai tử, trừ trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ có yêu cầu.

- Quyền xác định lại giới tính  (Trước khi Bộ luật dân sự sửa đổi được thông qua thì vấn đề xác định lại giới tính được quy định tại Nghị định 88/2008/NĐ-CP)

Điều 36 Bộ luật dân sự sửa đổi quy định: Cá nhân có quyền xác định lại giới tính. Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ giới tính.

Cá nhân đã thực hiện việc xác định lại giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được xác định lại theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.

      - Về Chuyển đổi giới tính (Khoản 1 Điều 4 Nghị định 88/2008/NĐ-CP quy định nghiêm cấm việc chuyển đổi đối với những người đã định hình, hoàn thiện về giới tính)

      BLDS 2015 Cho phép chuyển đổi giới tính theo quy định của pháp luật (Điều 37).Theo đó, cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan

      => Vấn đề đặt ra: Do BLDS quy định, việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật nên phải tới khi Quốc hội ban hành về luật chuyển đổi giới tính thì các cá nhân mới được thực hiện. Cụ thể, tới ngày 1/1/2017 Bộ luật dân sự sửa đổi mới có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, nếu đến thời điểm đó, Quộc hội vẫn chưa ban hành luật chuyển đổi giới tính thì quyền này của nhiều người vẫn bị “treo” để chờ luật và văn bản hướng dẫn mới có thể thực hiện được.

      7. Về  giám hộ.

      Bộ luật năm 2015 quy định cụ thể về địa vị pháp lý của cá nhân, pháp nhân; quy định về việc tham gia quan hệ dân sự của Nhà nước CHXHCN Việt Nam, cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương, hộ gia đình, tổ hợp tác và tổ chức khác không có tư cách pháp nhân; cụ thể như sau:

      - Đối với cá nhân, Bộ luật đã bổ sung nhiều cơ chế pháp lý mới, hợp lý để bảo vệ tốt hơn quyền của những người yếu thế về năng lực hành vi dân sự, đặc biệt là chế độ giám hộ đối với người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. (Điều 47)

      Về điều kiện của cá nhân làm người giám hộ (Điều 49) bổ sung thêm đk: Không phải là người bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con chưa thành niên

      8. Về tuyên bố mất tích, tuyên bố chết (Điều 68 và Điều 70, Điều 71, Điều 73) bổ sung quy định

      Quyết định của Tòa án tuyên bố một người mất tích (chết) hoặc Hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích (chết) phải được gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú cuối cùng của người bị tuyên bố mất tích để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch.

      Về tuyên bố chết (Điều 71 Khoản 1 điểm c) còn sửa đổi, bổ sung: Bị tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai mà sau 02 năm, kể từ ngày tai nạn hoặc thảm hoạ, thiên tai đó chấm dứt vẫn không có tin tức xác thực là còn sống, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác (Điều 68 BLDS quy định sau 01 năm)

      9. Về pháp nhân

      - Bộ luật quy định mọi cá nhân, tổ chức đều có quyền thành lập pháp nhân, trừ trường hợp luật có quy định khác (khoản 1 Điều 74).

      - Để bao quát, dự báo được sự phát triển đa dạng của pháp nhân trong thực tiễn, BLDS quy định khai quát 02 loại pháp nhân (Điều 75-76). BLDS 2005 tại Điều 100 quy định 06 loại pháp nhân.

      Pháp nhân thương mại: mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên.

      Pháp nhân phi thương mại: không có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận; nếu có lợi nhuận thì cũng không được phân chia cho các thành viên. Bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, doanh nghiệp xã hội và các tổ chức phi thương mại khác.

      - Về Quốc tịch của pháp nhân (Điều 80): Pháp nhân được thành lập theo pháp luật Việt Nam là pháp nhân Việt Nam.

      - Pháp nhân phải được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; Đăng ký pháp nhân bao gồm đăng ký thành lập, đăng ký thay đổi và dăng ký khác theo quy định của pháp luật. Việc đăng ký pháp nhân phải được công bố công khai (Điều 82).

      10. Về sự tham gia của Nhà nước CHXHCN Việt Nam, các cơ quan nhà nước ở trung ương và ở địa phương trong quan hệ dân sự

      Bộ luật quy định, Nhà nước CHXHCN Việt Nam, cơ quan nhà nước ở trung ương và ở địa phương bình đẳng với chủ thể khác là cá nhân, pháp nhân khi tham gia quan hệ dân sự và chịu trách nhiệm dân sự theo quy định của Bộ luật này;

      Bộ luật quy định những nội dung cơ bản về địa vị pháp lý, đại diện tham gia quan hệ dân sự, trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ dân sự và về trách nhiệm trong quan hệ dân sự của Nhà nước CHXHCN Việt Nam, cơ quan nhà nước ở trung ương và ở địa phương với nhà nước, pháp nhân, cá nhân nước ngoài (từ Điều 97 đến Điều 100);

      11. Về sự tham gia của hộ gia đình, tổ hợp tác và các tổ chức khác không có tư cách pháp nhân trong quan hệ dân sự,

      Bộ luật quy định hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân là chủ thể tham gia quan hệ dân sự thông qua cá nhân là người đại diện hoặc là thành viên của mình theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan.

      Các thành viên có thể thỏa thuận cử người đại diện tham gia, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự vì lợi ích chung. Địa vị pháp lý của hộ gia đình sử dụng đất được xác định theo quy định của pháp luật về đất đai; đồng thời, Bộ luật quy định những nội dung cơ bản về tài sản chung, trách nhiệm dân sự của thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân (từ Điều 101 đến Điều 104).

      12. Về tài sản (Chương IV, từ Điều 105 đến Điều 115)

      Để bảo đảm tính bao quát, minh bạch, công khai, huy động và phát huy được hết các nguồn lực vật chất trong xã hội, Bộ luật đã bổ sung quy định, theo đó, tài sản có thể là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.

      Quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là bất động sản phải được đăng ký theo quy định của Bộ luật này và pháp luật về đăng ký tài sản. Quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là động sản không phải đăng ký, trừ trường hợp pháp luật về đăng ký tài sản có quy định khác Việc đăng ký tài sản phải được công khai.

      Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền và có thể là đối tượng trong quan hệ dân sự, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác, trong đó, quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ được quy định trong Bộ luật này và pháp luật về sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất được quy định trong Bộ luật này và Luật đất đai.

      13. Về giao dịch dân sự (từ Điều 116 đến Điều 143)

      Dự thảo Bộ luật đã có nhiều sửa đổi, bổ sung liên quan đến các quy định về giao dịch dân sự theo hướng bảo đảm tốt hơn quyền tự do thể hiện ý chí, sự an toàn pháp lý, sự ổn định của giao dịch, quyền, lợi ích của bên thiện chí, bên ngay tình; Cụ thể như sau:

      - Đối với giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức, Điều 129 Bộ luật quy định: Giao dịch dân sự vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức thì vô hiệu, trừ các trường hợp sau đây:

      (1) Giao dịch đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất 2/3 nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó;

      (2). Giao dịch đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất 2/3 nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực.

      - Quy định về giải quyết hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu (Điều 131) cũng được sửa đổi để bảo đảm công bằng, phù hợp hơn với quyền, lợi ích của chủ thể xác lập giao dịch;

      Bổ sung: Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.

      - Về thời hiệu yêu cầu tuyên bố giao dịch được sửa đổi (Điều 132):... thời hiệu 02 năm kể từ ngày.... (biết được việc xác lập giao dịch ... - thay cho kể từ thời điểm giao dịch dân sự được xác lập).

      14. Về đại diện (Điều 134 đến Điều 143)

      Bộ luật đã có một số sửa đổi, bổ sung quy định về đại diện nhằm tạo điều kiện pháp lý tốt hơn trong việc trợ giúp cá nhân, pháp nhân thực hiện, bảo vệ các quyền dân sự của mình và hạn chế rủi ro pháp lý trong các quan hệ dân sự.

      - Điều 137: Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân là người được pháp nhân chỉ định theo điều lệ; đại diện theo quy định của pháp luật; Người do Tòa án chỉ định trong quá trình tố tụng tại Tòa án.

      Một pháp nhân có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật

      - Pháp nhân có thể là người đại diện theo ủy quyền cho các chủ thể khác;

      15. Về thời hiệu

      15.1. Quy định chung về thời hiệu (Điều 149 đến Điều 157)

      - Để tất cả các quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân được Hiến pháp và pháp luật công nhận đều được tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm kịp thời, nâng cao trách nhiệm của Tòa án, các cơ quan có thẩm quyền khác trong tôn trọng, bảo vệ quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân, sự ổn định của các quan hệ dân sự  và để phù hợp hơn với bản chất pháp lý của thời hiệu, Bộ luật quy định về thời hiệu theo nguyên tắc: cá nhân, pháp nhân phải yêu cầu tòa án, trọng tài giải quyết vụ, việc dân sự trong thời hạn luật định, hết thời hạn đó mà cá nhân, pháp nhân mới có yêu cầu thì thay vì từ chối giải quyết yêu cầu của cá nhân, pháp nhân như quy định hiện hành, tòa án hoặc trọng tài vẫn thụ lý, giải quyết và tuyên bố chủ thể được hưởng quyền dân sự hoặc được miễn trừ nghĩa vụ dân sự.

      - Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ, việc.

      Người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu có quyền từ chối áp dụng thời hiệu, trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ. (Khoản 2 Điều 149)

      - Chuyển các quy định về thời hiệu của Bộ luật TTDS để quy định trong Bộ luật dân sự, cụ thể như sau:

      + Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện (Điều 150 BLDS)

      Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được tính từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

      Thời hiệu khởi kiện không áp dụng trong các trường hợp sau đây:

      (1) Yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân không gắn với tài sản;

      (2). Yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác;

      (3). Tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai;

      (4). Trường hợp khác do luật định.

      + Thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự là thời hạn mà chủ thể được quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền yêu cầu.

      Thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự được tính từ ngày phát sinh quyền yêu cầu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

      - Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự là khoảng thời gian xảy ra một trong các sự kiện sau đây:

     + Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu không thể khởi kiện, yêu cầu trong phạm vi thời hiệu;

     + Chưa có người đại diện trong trường hợp người có quyền khởi kiện, người có quyền yêu cầu chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự, khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;

     + Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chưa có người đại diện khác thay thế.

      15.2. Về thời hiệu thừa kế (Điều 623)

      Để khắc phục những bất cập về thời hiệu khởi kiện thừa kế trong Bộ luật dân sự hiện hành, phù hợp với quyền của người thừa kế, người khác có liên quan đến di sản và những đặc thù về văn hóa, tính chất của di sản, Điều 623 Bộ luật quy định thời hiệu thừa kế như sau:

      - Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó;

      Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

      - Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:

      + Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;

      + Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại tại Điều 236 Bộ luật này.

      - Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

      - Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

      16. Về thời điểm xác lập quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản (Điều 161)

      Để bảo đảm thống nhất trong nhận thức, xây dựng và áp dụng pháp luật dân sự về thời điểm xác lập quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản, Điều 161 Bộ luật quy định: Thời điểm xác lập quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản thực hiện theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan; trường hợp luật không có quy định thì thực hiện theo thỏa thuận của các bên; trường hợp luật không quy định và các bên không có thỏa thuận thì thời điểm xác lập quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản là thời điểm tài sản được chuyển giao.

      Thời điểm tài sản được chuyển giao là thời điểm bên có quyền hoặc người đại diện hợp pháp của họ chiếm hữu tài sản

      - Trường hợp tài sản chưa được chuyển giao mà phát sinh hoa lợi, lợi tức thì hoa lợi, lợi tức thuộc về bên có tài sản chuyển giao, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

      17. Về chiếm hữu (Điều 179 đến Điều 185)

      - Bộ luật DS 2015 bổ sung chế định chiếm hữu như là tình trạng pháp lý về việc cá nhân, pháp nhân nắm giữ, chi phối tài sản một cách trực tiếp hoặc gián tiếp như chủ thể có quyền đối với tài sản.

      Theo chế định này, người chiếm hữu tài sản được suy đoán là ngay tình; người nào cho rằng, người chiếm hữu là không ngay tình thì phải chứng minh. Người nào có tranh chấp với người chiếm hữu thì phải chứng minh rằng, người chiếm hữu không có quyền chiếm hữu (Đ 183)

      Quy định này sẽ góp phần bảo đảm trật tự xã hội, sự ổn định của giao dịch, giá trị kinh tế của tài sản, sự thiện chí trong quan hệ dân sự.

      18. Về hình thức sở hữu (Điều 197 đến Điều 220)  

      - Bộ luật quy định hình thức sở hữu bao gồm: sở hữu toàn dân, sở hữu riêng và sở hữu chung.

      Sở hữu toàn dân là sở hữu đối với tài sản công, bao gồm đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý.

      Sở hữu riêng là sở hữu của một chủ thể, bao gồm cá nhân, pháp nhân.

      Sở hữu chung là sở hữu của nhiều chủ thể đối với một tài sản.

      - Việc xác định các hình thức sở hữu dựa vào sự khác biệt trong cách thức thực hiện các quyền năng của chủ sở hữu.

      (BLDS 2005 từ Đ 200- 232, quy định hình thức sở hữu bao gồm: sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân, sở hữu chung, sở hữu của các tổ chức Ctrị-xã hội...).

 


       Quý khách liên hệ với chúng tôi

 CÔNG TY LUẬT TNHH HOÀNG SA

  12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN
  0911771155
  Luathoangsa@gmail.com
        Hotline:  0911771155 (Luật sư Giáp)
Thong ke

Khách hàng tiêu biểu

Đặt câu hỏi miễn phí

loichaobatdau Luật Hoàng Sa 
Hỗ trợ trực tuyến
Mọi câu hỏi sẽ được trả lời, gọi Luật sư: 0911771155 (Zalo)