Kinh doanh dịch vụ đòi nợ, phải "ăn mặc lịch sự"

ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT HOÀNG SA

Địa chỉ: 12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN

Kinh doanh dịch vụ đòi nợ, phải "ăn mặc lịch sự"

 

Đây là một trong những quy định được nêu tại dự thảo Nghị định về về kinh doanh dịch vụ đòi nợ do Bộ Tài chính soạn thảo và đang lấy ý kiến rộng rãi. Mặc dù quy mô tín dụng đen ở Việt Nam rơi vào con số khoảng 50 tỷ USD (năm 2013) nhưng theo thống kê báo cáo lên Bộ Tài chính thì số lượng các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ đang ngày càng thu hẹp, đa số kinh doanh không có lãi.

Có tình trạng khủng bố, bắt cóc tống tiền

Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo Nghị định về kinh doanh dịch vụ đòi nợ trong đó quy định: chỉ những doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ các điều kiện về giấy phép hành nghề và được chứng nhận đảm bảo an ninh, trật tự mới được phép hoạt động dịch vụ đòi nợ.

Sắp tới, các doanh nghiệp "đòi nợ thuê" sẽ không được sử dụng nhân viên đòi nợ theo kiểu xã hội đen để uy hiếp con nợ

Dự thảo của nghị định này nghiêm cấm các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ thực hiện hoặc thông qua người khác thực hiện các hoạt động, hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự, quyền tự do cá nhân, quyền tài sản và các quyền dân sự khác của khách nợ, chủ nợ và tổ chức, cá nhân khác liên quan.

Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải cấp thẻ nhân viên cho người lao động. Trên thẻ phải có ảnh, ghi rõ họ tên, chức vụ của người được giao nhiệm vụ và có dấu của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn phải cấp trang phục cho nhân viên với mẫu thiết kế nhất định và thông báo với cơ quan công an có thẩm quyền, chính quyền địa phương về việc sử dụng trang phục này. Trong trường hợp kết thúc hợp đồng lao động với người lao động, doanh nghiệp phải thu hồi lại trang phục, thẻ nhân viên đã cấp.

Và cũng như những doanh nghiệp hoạt động hợp pháp khác, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế; thực hiện chế độ kế toán, thống kê, kiểm toán, báo cáo theo quy định của pháp luật đối với doanh nghiệp.

Một điểm khá thú vị nêu tại dự thảo nghị định này đó là yêu cầu nhân viên của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ khi thực hiện các hoạt động đòi nợ "phải mặc trang phục, đeo thẻ nhân viên và có giấy giới thiệu".

Theo dự thảo tờ trình của Bộ Tài chính lên Chính phủ về nghị định này, do tính chất nhạy cảm của hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ nên trên thực tế, hoạt động của các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt còn xảy ra các vi phạm về an ninh, trật tự.

Cụ thể, vẫn còn tồn tại những sai phạm liên quan đến an ninh trật tự như vụ Công ty Tai Ga (trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh) đòi nợ có hành vi “khủng bố”, nhân viên Chi nhánh công ty Công Lý (cùng địa bàn) có hành vi câu kết với các đối tượng xã hội đen để bắt cóc, tống tiền để đòi nợ…

Hiện Việt Nam chưa có một thống kê chính thức về các khoản vay tín dụng đen, tín dụng ngầm nhưng theo ước tính được Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia công bố năm 2013, cho vay tín dụng đen thời điểm đó tương đương khoảng 30% tổng tín dụng thực do hệ thống ngân hàng cung cấp, hay nói cách khác, quy mô tín dụng đen ở Việt Nam rơi vào con số khoảng 50 tỷ USD.

Kinh doanh thu hẹp, đa số không có lãi

Mới đây, Bộ Tài chính đã nhận được báo cáo của 43/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tình hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ trên địa bàn cũng như những khó khăn, vướng mắc về chính sách đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Theo đó, đến hết năm 2015, cả nước chỉ có 3 tỉnh, thành phố có doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ còn hoạt động (riêng Hà Nội chỉ có ý kiến tham gia với dự thảo Nghị định, chưa có báo cáo số liệu các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ đang hoạt động trên địa bàn thành phố).

Cụ thể, Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện cấp Giấy chứng nhận an ninh, trật tự cho 34 cơ sở kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Trong quá trình hoạt động, 18 cơ sở đã ngừng và tạm ngừng hoạt động do kinh doanh không hiệu quả, khó khăn về nhân sự, thu hồi mặt bằng... Còn lại 16 cơ sở đang hoạt động gồm: 9 công ty cổ phần, 5 công ty trách nhiệm hữu hạn, 2 chi nhánh với tổng số lao động là 239 người.

Thành Phố Đà Nẵng có 4 doanh nghiệp với tổng số vốn điều lệ là 6,5 tỷ đồng. Tỉnh An Giang có 1 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ còn hoạt động.

Trong những năm qua, một số tỉnh, thành phố khác như Hải Phòng, Nghệ An, Hải Dương, Tiền Giang, Sóc Trăng, Khánh Hòa... đã có doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ nhưng nay không còn hoạt động. Số lượng các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ ngày càng thu hẹp. Về kết quả kinh doanh, đa số các doanh nghiệp kinh doanh không có lãi.

Theo nhận định của Bộ Tài chính, hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ đã dần đi vào nề nếp, các doanh nghiệp hoạt động theo quy định của pháp luật, công khai minh bạch các hoạt động nhận nợ, thu hồi nợ và đã hạn chế bớt các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ không đủ tiêu chuẩn và hoạt động theo kiểu “xã hội đen”. Tuy nhiên, hiệu quả kinh doanh các doanh nghiệp đạt thấp vì đây là ngành nghề đặc thù, còn khá mới mẻ đối với Việt Nam, trình độ quản lý, nghiệp vụ thu hồi nợ của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ thấp.


       Quý khách liên hệ với chúng tôi

 CÔNG TY LUẬT TNHH HOÀNG SA

  12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN
  0911771155 - 0983017755
  Luathoangsa@gmail.com
        Hotline:  0911771155 (Luật sư Giáp)
Thong ke

Khách hàng tiêu biểu

Đặt câu hỏi miễn phí

loichaobatdau Luật Hoàng Sa 
Hỗ trợ trực tuyến
Mọi câu hỏi sẽ được trả lời, gọi Luật sư: 0911771155 (Zalo)