Không trả tiền thuê mặt bằng vì Covid 19 - Sao lại thế?

ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT HOÀNG SA

Địa chỉ: 12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN

Không trả tiền thuê mặt bằng vì Covid 19 - Sao lại thế?


Do tình hình dịch diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid 19 nên từ giữa tháng 3/2020, lãnh đạo thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu tạm dừng hoạt động các rạp chiếu phim, quán bar, game online, các điểm massage, karaoke, vũ trường, các khu di tích lịch sử, nhà hàng ăn uống ... Ngày 31/3/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có biện pháp cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày từ 01/4 đến 15/4.

Nhiều cửa hàng, nhà hàng, trung tâm thương thương mại buộc phải đóng cửa dẫn tới không có doanh thu. Trong khi đó, tiền đi thuê mặt bằng (đa số các cơ sở kinh doanh phải đi thuê) vẫn phải trả đủ. Vấn đề đặt ra trong tình huống dịch bệnh Covid 19 làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của người kinh doanh có được xem là trường hợp bất khả kháng hay không? nếu được xem là trường hợp bất khả kháng vậy người đi thuê mặt bằng có phải trả tiền thuê mặt bằng trong thời gian tạm đóng cửa hay không? Và nếu bên cho thuê mặt bằng không đồng ý thì bên đi thuê có căn cứ để khởi kiện đến Tòa án đòi quyền lợi được không?


1. Dịch bệnh Covid 19 có được xem là trường hợp bất khả kháng theo Luật hiện hành?

Theo khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015 ghi nhận: Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Và để được xem là sự kiện bất khả kháng phải đáp ứng các điều kiện như: Đó là sự kiện khách quan mang lại không thể lường trước được, nằm ngoài phạm vi kiểm soát, Hậu quả của của sự kiện bất khả kháng là không thể lường trước được và không thể khắc phục được hậu quả mặc dù đã áp dụng các biện pháp cần thiết.

Một số sự kiện có thể được ghi nhận là bất khả kháng như: Chiến tranh, động đất, núi lửa, lũ lụt, đảo chính, dịch bệnh ...

Dịch bệnh Covid-19 là đại dịch toàn cầu, mức độ đặc biệt nghiêm trọng, hiện vẫn chưa có vacxin phòng hay chữa bệnh và dịch bệnh vẫn đang lan rộng chưa có dấu hiệu ngừng lại. Lệnh tạm ngừng hoạt động các cơ sở kinh doanh là một biện pháp cần thiết để hạn chế sự  lây lan của dịch bệnh. Do đó, có thể xem Covid-19 và lệnh tạm ngừng hoạt động là sự kiện bất khả kháng.

2. Người thuê mặt bằng có phải trả tiền thuê mặt bằng trong thời gian tạm đóng cửa do sự kiện bất khả kháng dịch bệnh Covid 19 không?

Theo quy định tại Điều 351 Bộ luật dân sự 2015 quy định trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ. Theo đó:

1. Bên có nghĩa vụ mà vi phạm nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền.

Vi phạm nghĩa vụ là việc bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nội dung của nghĩa vụ.

2. Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”.

Chúng ta có thể hiểu rằng trách nhiệm dân sự được miễn ở đây có thể là: Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền thuê mặt bằng, trách nhiệm chịu phạt do vi phạm hợp đồng (do chậm trả hoặc không trả tiền thuê mặt bằng) ...  Và quy định pháp luật hiện hành chưa có điều khoản nào khẳng định người đi thuê mặt bằng được quyền miễn tiền thuê mặt bằng, và người cho thuê mặt bằng có nghĩa vụ miễn tiền thuê mặt bằng do sự kiện Bất khả kháng. Do đó, có thể hiểu rằng trách nhiệm trả tiền thuê mặt bằng của người đi thuê sẽ không mất đi.

Bộ luật dân sự năm 2015 chỉ quy định nghĩa vụ của một bên trong hợp đồng được chấm dứt khi:

Điều 372 quy định các trường hợp gồm:

  • Nghĩa vụ được hoàn thành;
  • Theo thỏa thuận của các bên;
  • Bên có quyền miễn việc thực hiện nghĩa vụ;
  • Nghĩa vụ được thay thế bằng nghĩa vụ khác;
  • Nghĩa vụ được bù trừ;
  • Bên có quyền và bên có nghĩa vụ hòa nhập làm một;
  • Thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ đã hết;
  • Bên có nghĩa vụ là cá nhân chết hoặc là pháp nhân chấm dứt tồn tại mà nghĩa vụ phải do chính cá nhân, pháp nhân đó thực hiện;
  • Bên có quyền là cá nhân chết mà quyền yêu cầu không thuộc di sản thừa kế hoặc là pháp nhân chấm dứt tồn tại mà quyền yêu cầu không được chuyển giao cho pháp nhân khác;
  • Vật đặc định là đối tượng của nghĩa vụ không còn và được thay thế bằng nghĩa vụ khác;
  • Trường hợp khác do luật quy định”.

Như vậy, với các trường hợp chấm dứt nghĩa vụ trên thì sự kiện bất khả kháng không được ghi nhận. Duy nhất ở trường hợp cuối cùng ghi nhận "Trường hợp khác do Luật quy định" có thể hiểu trường hợp khác như Trường hợp bên có nghĩa vụ bị tuyên bố phá sản theo Luật phá sản.

3. Bên đi thuê có thể khởi kiện đến Tòa án để yêu cầu được miễn tiền thuê mặt bằng không?

Việc khởi kiện là quyền của bất kỳ cá nhân, hay tổ chức nào đó cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Pháp luật không cấm cản hành vi khởi kiện, Tuy nhiên khởi kiện để yêu cầu được miễn tiền thuê mặt bằng lí do dịch bệnh Covid 19 là không có căn cứ pháp lý vững chắc để thắng kiện. Vì đây là nghĩa vụ mà bên thuê buộc phải thực hiện, trừ khi được bên cho thuê chủ động miễn tiền thuê mặt bằng.

Tuy nhiên, Luật pháp quy định là như vậy nhưng xét hoàn cảnh chung của dịch bệnh Covid 19 ảnh hưởng đến toàn cầu, tất cả các bên đi thuê, hay bên cho thuê đều bị ảnh hưởng. Nếu bên cho thuê mặt bằng không xem xét miễn, giảm tiền thuê mặt bằng trong lúc bên đi thuê đang khó khăn thì rất có thể xảy ra tình trạng bên đi thuê không còn đủ khả năng để tiếp tục kinh doanh. Việc nhận lại mặt bằng để cho bên khác thuê ở thời điểm dịch bệnh hoành hành này có thể không phải là một quyết định mang lại hiểu quả kinh tế.

Hơn nữa, sống, làm việc phải theo pháp luật nhưng bên cạnh đó cũng phải cân đối đến cả cái tình, cái đạo con người vốn dĩ nó đã tồn tại trong mỗi người chúng ta trước khi luật pháp được biết đến.

 


       QUÝ KHÁCH LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI

 Công ty Luật Hoàng Sa

  12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN
  02466564319 - 0911771155
  Luathoangsa@gmail.com
        Hotline:  0911771155 (Luật sư Giáp)
Thong ke

Khách hàng tiêu biểu

Đặt câu hỏi miễn phí

loichaobatdau Luật Hoàng Sa 
Hỗ trợ trực tuyến
Mọi câu hỏi sẽ được trả lời, gọi Luật sư: 0911771155 (Zalo)