Địa chỉ: 12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Yên Hòa, HN
Quý khách liên hệ với chúng tôi
0911771155
Luathoangsa@gmail.com
ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HÀ NỘI
CÔNG TY LUẬT HOÀNG SA
Địa chỉ: 12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Yên Hòa, HN
Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là những sản phẩm được sản xuất hoặc buôn bán trái phép, không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không đảm bảo chất lượng, không tuân thủ các quy định của pháp luật. Cụ thể như sau:
1. HÀNG GIẢ:
Theo Khoản 7 Theo Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hàng giả được định nghĩa như sau:
Bản chất của hàng giả là hàng hóa không có giá trị sử dụng hoặc giá trị sử dụng không đúng với mục đích đã được công bố. Hàng giả có thể là hàng giả về nội dung hoặc giả về hình thức hoặc cả về nội dung lẫn hình thức.
Ví dụ: Doanh nghiệp A chuyên sản xuất và phân phối ra thị trường các sản phẩm về sữa. Trong đó, mặt hàng sữa bột B có ghi trên bao bì thành phần chính bao gồm protein sữa, pufa, mufa, omega, canxi đường, lợi khoáng, vitamin và khoáng chất… và công dụng là giúp trẻ tăng chiều cao. Tuy nhiên, để thu lợi bất chính, doanh nghiệp A đã trộn, pha tạp chất vào sữa bột B. Cụ thể: trộn thêm đường, bột ngô, chất độn để tăng trọng lượng. Đồng thời, sữa B cũng không có tác dụng tăng chiều cao cho trẻ như đã công bố và quảng cáo. Vậy, do không có thành phần và công dụng như đã công bố và được thể hiện trên bao bì sản phẩm nên sữa B là hàng giả.
2. HÀNG NHÁI:
Pháp luật Việt Nam hiện hành không sử dụng thuật ngữ hàng nhái. Tuy nhiên, theo cách hiểu phổ biến hiện nay thì hàng nhái được hiểu là sản phẩm được sao chép hoặc làm giả dưới một hình thức tương tự hàng chính hãng. Hàng nhái là sản phẩm vi phạm quy định về quyền sở hữu trí tuệ và xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Hàng nhái có thể xuất hiện trong mọi ngành hàng, từ thời trang, mỹ phẩm, đến điện tử và thực phẩm ...
Đối chiếu quy định tại Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi năm 2022) quy định về hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý. Cụ thể:
“1. Các hành vi sau đây được thực hiện mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu:
a) Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó;
b) Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;
c) Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;
d) Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hoá, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hoá, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.
2. Mọi hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại trùng hoặc tương tự với tên thương mại của người khác đã được sử dụng trước cho cùng loại sản phẩm, dịch vụ hoặc cho sản phẩm, dịch vụ tương tự, gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, cơ sở kinh doanh, hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó đều bị coi là xâm phạm quyền đối với tên thương mại.
3. Các hành vi sau đây bị coi là xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ:
a) Sử dụng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho sản phẩm mặc dù có nguồn gốc xuất xứ từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý, những sản phẩm đó không đáp ứng các tiêu chuẩn về tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý;
b) Sử dụng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho sản phẩm tương tự với sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý nhằm mục đích lợi dụng danh tiếng, uy tín của chỉ dẫn địa lý;
c) Sử dụng bất kỳ dấu hiệu nào trùng hoặc tương tự với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho sản phẩm không có nguồn gốc từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý đó làm cho người tiêu dùng hiểu sai rằng sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực địa lý đó;
d) Sử dụng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ đối với rượu vang, rượu mạnh cho rượu vang, rượu mạnh không có nguồn gốc xuất xứ từ khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó, kể cả trường hợp có nêu chỉ dẫn về nguồn gốc xuất xứ thật của hàng hoá hoặc chỉ dẫn địa lý được sử dụng dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm hoặc được sử dụng kèm theo các từ loại, kiểu, dạng, phỏng theo hoặc những từ tương tự như vậy.”
Bên cạnh đó, hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ theo quy định tại Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 được sửa đổi tại khoản 79 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022, gồm:
“1. Hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này bao gồm hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng hóa giả mạo chỉ dẫn địa lý, hàng hóa sao chép lậu quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này.
2. Hàng hóa giả mạo nhãn hiệu là hàng hóa, bao bì của hàng hóa có gắn nhãn hiệu hoặc dấu hiệu hoặc tem, nhãn có chứa các dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức khó phân biệt với nhãn hiệu đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu.
3. Hàng hóa giả mạo chỉ dẫn địa lý là hàng hóa, bao bì của hàng hóa có gắn dấu hiệu hoặc tem, nhãn có chứa các dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức khó phân biệt với chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó và việc gắn dấu hiệu này được thực hiện bởi tổ chức, cá nhân không có quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý theo quy định tại khoản 4 Điều 121 của Luật này hoặc theo pháp luật của nước xuất xứ của chỉ dẫn địa lý đó.
4. Hàng hóa sao chép lậu là bản sao được sản xuất mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả hoặc chủ sở hữu quyền liên quan.”
Bản chất của hàng nhái là hàng hóa sao chép lại hình thức, công dụng của các sản phẩm đã được Nhà nước cấp phép lưu hành trên thị trường. Tuy là làm theo, sao chép, bắt chước sản phẩm đã có nhưng hàng nhái có chất lượng, công dụng khác biệt và kém so với hàng thật.
Ví dụ: Trên thị trường có sản phẩm bánh ChocoPie truyền thống do Công ty TNHH Thực phẩm Orion Vina sản xuất. Trên thị trường có lưu hành sản phẩm bánh Chocopi có kết cấu thành phần hai lớp bánh phủ socola mềm mịn, bông xốp kẹp giữa nhân marshmallow dẻo dai và bao bì tương tự như ChocoPie. Sản phẩm bánh Chocopi có bao bì tương tự sản phẩm bánh Chocopie khiến người tiêu dùng khó phân biệt được. Vậy, bánh Chocopi là hàng nhái.
3. HÀNG KÉM CHẤT LƯỢNG:
Căn cứ quy định hướng dẫn tại Mục IV Thông tư liên tịch 10/2000/TTLT-BTM-BTC-BCA - BKHCNMT. Hàng kém chất lượng được định nghĩa như sau:
“Hàng hoá có một trong các dấu hiệu sau đây được coi là hàng kém chất lượng:
1. Hàng hoá có giá trị sử dụng, công dụng nhưng các chỉ tiêu, thành phần cấu tạo về chất lượng chưa đầy đủ như công bố trên nhãn hàng hoá hoặc quảng cáo, tiếp thị nhưng không gây hại đến sản xuất, sức khoẻ người, động vật, thực vật hoặc môi sinh, môi trường.
2. Hàng hoá có một trong các chỉ tiêu chất lượng thuộc danh mục bắt buộc áp dụng thấp hơn mức chất lượng tối thiểu đã công bố, nhưng không gây hại đến sản xuất, sức khoẻ người, động vật, thực vật hoặc môi sinh, môi trường.
3. Hàng hoá có chất lượng thực tế thấp hơn mức ghi trên nhãn hàng hoá hoặc quảng cáo công bố nhưng không gây hại đối với sản xuất, sức khỏe người, động vật, thực vật.
4. Hàng hoá cũ tân trang, sửa chữa lại rồi giả mạo hàng mới để lừa dối khách hàng, bán theo đơn giá của hàng mới.
5. Hàng hoá đã bị đưa thêm tạp chất hoặc các nguyên liệu khác làm thay đổi định lượng của hàng hoá, nhưng không gây hại đối với sản xuất, sức khoẻ người, động vật, thực vật hoặc môi sinh, môi trường.”
Bản chất của hàng kém chất lượng là chất lượng không đúng và thấp hơn với công bố của hàng hóa.
Ví dụ: Công ty TNHH X chuyên kinh doanh mua bán các loại xe đạp mới chưa qua sử dụng. Tuy nhiên, bên cạnh việc bán xe đạp mới, công ty X còn thu mua lại xe đạp cũ đã qua sử dụng rồi tân trang, sửa chữa, đánh bóng lại để lừa dối và bán lại cho khách hàng với giá xe mới. Vậy, công ty X bán xe đạp cũ được làm mới lại là hàng kém chất lượng.
Quý khách liên hệ với chúng tôi
Đặt câu hỏi miễn phí