Công an xã phải chuyển hồ sơ tố giác, tin báo tội phạm lên cấp trên? Theo quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Thông tư liên tịch số 01/2017, Thông tư số 28/2020 của Bộ công an

ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT HOÀNG SA

Địa chỉ: 12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN

Hỏi:

Công an xã phải chuyển hồ sơ tố giác, tin báo tội phạm lên cấp trên?

 

Trả lời:

Theo quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Thông tư liên tịch số 01/2017 của Bộ công an, Bộ quốc phòng, Bộ tài chính, Bộ nông nghiệp, Viện kiểm sát Tối cao, Thông tư số 28/2020 của Bộ công an thì không quy định Công an xã, phường (Công an xã) là cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo tội phạm nhưng Công an xã được quy định là cơ quan tiếp nhận, thực hiện một số công việc khi có tố giác, tin báo tội phạm. Cụ thể:

1. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định:

  • Trường hợp Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an phát hiện bắt giữ, tiếp nhận người phạm tội quả tang thì thu giữ, tạm giữ vũ khí, hung khí và bảo quản tài liệu, đồ vật có liên quan, lập biên bản bắt giữ người, lấy lời khai ban đầu, bảo vệ hiện trường theo quy định của pháp luật; giải ngay người bị bắt hoặc báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền (Điều 111).
  • Công an phường, thị trấn, Đồn Công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền (Điều 146).
  • Công an xã có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, lấy lời khai ban đầu và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.

2. Thông tư liên tịch số 01/2017 quy định (Điều 8):

  • Công an phường, thị trấn, Đồn Công an khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm thì lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ khi tiếp nhận.
  • Công an xã khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm thì lập biên bản tiếp nhận, lấy lời khai ban đầu, thông báo và chuyển tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm. Đối với các xã ở vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh, hải đảo, điều kiện đi lại khó khăn thì thời hạn chuyển tố giác, tin báo về tội phạm không quá 48 giờ kể từ khi tiếp nhận.
  • Trường hợp khẩn cấp, cấp bách, cần ngăn chặn ngay tội phạm, thu thập chứng cứ, bảo vệ hiện trường thì Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an phải báo ngay đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền bằng hình thức liên lạc nhanh nhất và thực hiện các biện pháp giải quyết kịp thời theo quy định của pháp luật.

3. Thông tư số 28/2020 quy định:

Điều 6: 

Khi tiếp nhận tố giác, tin báo về hành vi phạm tội đang diễn ra hoặc hành vi phạm tội diễn ra vừa kết thúc thì bị phát hiện trên địa bàn mình hoặc trên địa bàn giáp ranh thì cán bộ tiếp nhận tiến hành lập biên bản hoặc ghi chép vào sổ tiếp nhận theo quy định tại Điều 5 Thông tư này và kịp thời báo cáo lãnh đạo, chỉ huy đơn vị mình.

  • Trường hợp cơ quan tiếp nhận là Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an thì phải thông báo ngay cho Cơ quan điều tra Công an cấp huyện nơi xảy ra vụ việc phạm tội hoặc Cơ quan điều tra có thẩm quyền biết để giải quyết, đồng thời phải khẩn trương cử người đến bảo vệ hiện trường và tiến hành các biện pháp cấp bách tại hiện trường theo quy định tại điểm e khoản này (trừ các biện pháp khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi). Khi Cơ quan điều tra có thẩm quyền đến thì kịp thời báo cáo tình hình và phối hợp thực hiện một số biện pháp khác theo quy định tại điểm e khoản này khi được yêu cầu;
  • Các biện pháp cấp bách tại hiện trường gồm (Điểm e Điều 6):

- Ngăn chặn ngay hành vi phạm tội đang xảy ra hoặc có thể tiếp tục xảy ra; bắt người phạm tội quả tang hoặc truy bắt đối tượng thực hiện hành vi phạm tội theo dấu vết nóng; ngăn chặn việc tiêu hủy tài liệu, chứng cứ, tẩu tán tang vật và những hậu quả khác có thể xảy ra; đánh dấu các vị trí của hiện trường và cấp cứu người bị nạn (đánh dấu vị trí của người bị nạn trước khi tổ chức cấp cứu); ghi lời khai ngay của những người có liên quan đến vụ việc phạm tội đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng; cứu tài sản;

- Tổ chức bảo vệ hiện trường;

- Ổn định tình hình, an ninh trật tự trong khu vực và trên địa bàn; ổn định tinh thần cho nạn nhân và thân nhân nạn nhân;

- Lấy lời khai người làm chứng, bị hại, đối tượng bị bắt giữ, người liên quan, người đại diện hợp pháp của bị hại (trường hợp bị hại là trẻ em, người đang bị bệnh hiểm nghèo, có nhược điểm về thể chất, tâm thần,...), người đại diện hợp pháp hoặc người được ủy quyền của cơ quan, tổ chức bị thiệt hại...;

- Khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi (nếu có); thu giữ các đồ vật, tài liệu, chứng cứ nghi liên quan đến vụ việc phạm tội tại hiện trường.

Đối với tố giác, tin báo về hành vi phạm tội đang diễn ra hoặc hành vi phạm tội diễn ra vừa kết thúc thì bị phát hiện xảy ra ở địa bàn giáp ranh, nếu xác định không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan mình thì Cơ quan điều tra sau khi tiến hành xong các biện pháp cấp bách tại hiện trường, có trách nhiệm chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm, kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan đã tiếp nhận và kết quả thực hiện các biện pháp tại hiện trường cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền để giải quyết trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ khi có căn cứ xác định. Trong trường hợp không thể chuyển ngay thì phải thông báo bằng hình thức liên lạc nhanh nhất cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền biết.

Điều 7. Phân loại, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm của Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an

  • Sau khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều 5 Thông tư này Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an tiến hành phân loại và xử lý tố giác, tin báo về tội phạm theo quy định (tại khoản 5 Điều 8 Thông tư liên tịch số 01/2017). Riêng đối với Công an xã chưa được bố trí lực lượng chính quy khi lấy lời khai ban đầu được tiến hành lấy lời khai của người tố giác, báo tin về tội phạm, người làm chứng, bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của bị hại, chỉ tiến hành lấy lời khai của người bị tố giác trong trường hợp vụ việc đơn giản, rõ ràng hoặc trong trường hợp cần thiết, cấp bách.
  • Trách nhiệm xử lý của Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an trong một số trường hợp cụ thể như sau:

- Trường hợp phát hiện bắt giữ, tiếp nhận người phạm tội quả tang thì Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an tiến hành lập Biên bản bắt người phạm tội quả tang theo mẫu số 54 (ban hành kèm theo Thông tư số 61/2017); Trạm Công an lập Biên bản tiếp nhận người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang theo mẫu số 55 (ban hành kèm theo Thông tư số 61/2017); kiểm tra giấy tờ tùy thân, đồng thời thu giữ tài liệu, vật chứng liên quan đến hành vi phạm tội, tạm giữ vũ khí, hung khí (nếu có), và tiến hành bảo quản theo quy định của pháp luật không để mất mát, hư hỏng, biến dạng (việc thu giữ, tạm giữ phải được ghi rõ vào biên bản); cử người bảo vệ hiện trường; tiến hành lấy lời khai ban đầu, sau đó báo ngay Cơ quan điều tra có thẩm quyền biết hoặc áp giải ngay người bị bắt đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện nơi xảy ra vụ việc để giải quyết;

 

NHƯ VẬY:

Các văn bản hiện hành quy định cơ quan Công an xã, phường phải chuyển ngay hồ sơ lên cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Hoặc trong thời gian 24h đến 48h kể từ khi tiếp nhận.

 


       QUÝ KHÁCH LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI

 Công ty Luật Hoàng Sa

  12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN
  02466564319 - 0911771155
  Luathoangsa@gmail.com
        Hotline:  0911771155 (Luật sư Giáp)
Thong ke

Khách hàng tiêu biểu

Đặt câu hỏi miễn phí

loichaobatdau Luật Hoàng Sa 
Hỗ trợ trực tuyến
Mọi câu hỏi sẽ được trả lời, gọi Luật sư: 0911771155 (Zalo)