Địa chỉ: 12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN
Quý khách liên hệ với chúng tôi
0911771155
Luathoangsa@gmail.com
ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HÀ NỘI
CÔNG TY LUẬT HOÀNG SA
Địa chỉ: 12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN
Cố ý gây thương tích cho người khác bị xử lý như thế nào?
Hỏi:
Ngày 27/5/2015 con trai của bạn tôi bị đánh. Tôi đứng ra can thiệp và bị một nhóm 6 người chém vào đầu, phải khâu 5 mũi và điều trị trong bệnh viện 8 ngày. Nay, những gia đình kia bồi thường cho tôi 18 triệu đồng và tôi đã rút đơn kiện. Nhưng nay tôi thấy số tiền đó chưa bồi thường thỏa đáng so với sức khỏe của tôi bị thiệt hại. Vậy tôi có thể làm đơn để kiện lại những người đã đánh tôi và yêu cầu bồi thường lại cho tôi hay không?
Trả lời:
Trường hợp mà bạn nêu, cần xác định rõ hai loại trách nhiệm pháp lý là trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự.
1. Đối với trách nhiệm hình sự
Theo quy định tại khoản 1 Điều 105 của Bộ luật tố tụng hình sự thì những vụ án về các tội phạm được quy định tại khoản 1 các điều 104, 105, 106, 108, 109, 111, 113, 121, 122, 131 và 171 của Bộ luật hình sự chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất. Trường hợp của bạn nêu, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật hình sự chỉ được khởi tố nếu như có yêu cầu của bạn là người bị hại.
Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 105 của Bộ luật tố tụng hình sự thì “Trong trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì vụ án phải được đình chỉ. Trong trường hợp có căn cứ để xác định người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn có thể tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án. Người bị hại rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức”.
2. Đối với trách nhiệm dân sự
Theo quy định tại khoản 1 Điều 604 của Bộ luật dân sự thì người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Nguyên tắc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo quy định tại Điều 605 của Bộ luật dân sự. Trường hợp của bạn, các khoản bồi thường thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm theo quy định tại Điều 609 bao gồm: (1) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; (2) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại; (3) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại. Ngoài các khoản nêu trên, người xâm phạm sức khỏe của người khác phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá ba mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
Bạn có thể căn cứ các quy định nêu trên để xác định mức bồi thường mà mình được hưởng. Trường hợp bạn và bên gây thiệt hại đã ký vào biên bản thỏa thuận, nhưng mức bồi thường không phù hợp với thiệt hại mà bạn phải gánh chịu và quy định của pháp luật thì bạn có thể yêu cầu thỏa thuận lại. Nếu không thỏa thuận được thì có thể gửi đơn đến Tòa án để yêu cầu giải quyết.
Quý khách liên hệ với chúng tôi
Đặt câu hỏi miễn phí