Tội đánh bạc xử lý như thế nào và những điểm cần lưu ý. Quy định của Bộ luật hình sự hiện hành về tội đánh bạc.

ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT HOÀNG SA

Địa chỉ: 12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN

Tội đánh bạc và những điểm cần lưu ý.


1. Quy định của Bộ luật hình sự hiện hành về tội đánh bạc

Điều 248 Bộ luật hình sự năm 1999 (hiện nay đã được thay thế bởi Bộ luật hình sự năm 2015 tại Điều 321) quy định về tội đánh bạc, như sau:

“1. Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 249 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tính chất chuyên nghiệp;

b) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc có giá trị từ năm mươi triệu đồng trở lên;

c) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng”.

Từ quy định trên có thể hiểu, đánh bạc trái phép là hành vi đánh bạc được thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào với mục đích được thua bằng tiền hay hiện vật mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc tuy được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép nhưng thực hiện không đúng với quy định trong giấy phép được cấp.

Các dấu hiệu pháp lý cơ bản của tội phạm này

Khách thể của tội phạm, đánh bạc là một tệ nạn xã hội, dễ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng khác, như trộm cắp, giết người nhằm cướp tài sản,… Tội đánh bạc trực tiếp xâm phạm trật tự công cộng, nếp sống văn minh của xã hội

Mặt khách quan của tội phạm, tội đánh bạc được thể hiện thông qua hành vi chơi được, thu bằng tiền hoặc hiện vật dưới bất kỳ hình thức nào, như: xóc đĩa, bầu cua, tổ tôm, tam cúc, số đề, cá cược, đá (chọi) gà, đua xe, cá cược,…một cách trái phép; thủ đoạn phạm tội cũng rất tinh vi. Tiền có thể là tiền Việt Nam, ngoại tệ; hiện vật có thể là tài sản, như: ô tô, xe máy, nhà cửa, gia súc, hàng hóa,… Theo Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010 hướng dẫn áp dụng một số quy định về tội đánh bạc (Điều 248) của BLHS (gọi tắt Nghị quyết 01/2010/NQ-HĐTP), thì: Đánh bạc trái phép là hành vi đánh bạc được thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào với mục đích được thua bằng tiền hay hiện vật mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc tuy được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép nhưng thực hiện không đúng với quy định trong giấy phép được cấp. Do vậy, trong thực tế không phải mọi trường hợp cứ tham gia chơi được thua bằng tiền hay hiện vật đều bị coi là hành vi phạm tội, như hình thức vui chơi giải trí mà người tham gia được thua bằng tiền hay hiện vật nhưng không bị coi là hành vi phạm tội đánh bạc (chơi lô tô, xổ số, casino,…) vì các trò chơi này được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Hành vi đánh bạc chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi số tiền hay hiện vật dùng để đánh bạc có giá trị từ hai triệu đồng trở lên hoặc tuy dưới hai triệu đồng nhưng đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 249 BLHS, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Ngoài hành vi đánh bạc, nếu người đánh bạc còn rủ rê, lôi kéo người khác tham gia cùng đánh bạc, cho thuê nhà, sà lan, tàu, thuyền,…làm nơi đánh bạc thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) về các tội tương ứng: Đánh bạc; Tổ chức đánh bạc và gá bạc.

Về hậu quả của hành vi đánh bạc không phải là dấu hiệu bắt buộc và cũng không là yếu tố định khung hình phạt.

Theo hướng dẫn tại Điều 1 của Nghị quyết 01/2010/NQ-HĐTP:

“…

2. Khi xác định trách nhiệm hình sự đối với người đánh bạc không được tính tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng để đánh bạc của tất cả các lần đánh bạc, mà phải căn cứ vào từng lần đánh bạc để xem xét, cụ thể:

a.Trong trường hợp tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của từng lần đánh bạc đều dưới mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (dưới 2.000.000 đồng) và không thuộc một trong các trường hợp khác để truy cứu trách nhiệm hình sự (đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 249 của BLHS, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm) thì người đánh bạc không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc.

b.Trường hợp tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của lần đánh bạc nào bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (từ 2.000.000 đồng trở lên) thì người đánh bạc phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với lần đánh bạc đó.

c.Trường hợp đánh bạc từ hai lần trở lên mà tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của từng lần đánh bạc bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (từ 2.000.000 đồng trở lên) thì người đánh bạc phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc với tình tiết tăng nặng “phạm tội nhiều lần” theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 BLHS.

d.Trường hợp đánh bạc từ năm lần trở lên mà tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của từng lần đánh bạc bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (từ 2.000.000 đồng trở lên) và lấy tiền, hiện vật do đánh bạc mà có làm nguồn sống chính thì người đánh bạc phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc với tình tiết định khung “có tính chất chuyên nghiệp” quy định tại điểm a khoản 2 Điều 248 BLHS.

3. “Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc” bao gồm:

a.Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc thu giữ được trực tiếp tại chiếu bạc;

b. Tiền hoặc hiện vật thu giữ được trong người các con bạc mà có căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc;

c. Tiền hoặc hiện vật thu giữ ở những nơi khác mà có đủ căn cứ xác định đã được hoặc sẽ dùng để đánh bạc.

4. Khi xác định tiền hoặc giá trị hiện vật dùng đánh bạc cần phân biệt:

a.Trong trường hợp, nếu nhiều người cùng tham gia đánh bạc với nhau thì việc xác định tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc đối với từng người đánh bạc là tổng số tiền, giá trị hiện vật của những người cùng đánh bạc đó.

b.Còn trường hợp đánh bạc dưới hình thức chơi số đề, cá độ bóng đá, cá độ đua ngựa... thì một lần chơi số đề, một lần cá độ bóng đá, một lần cá độ đua ngựa... (để tính là một lần đánh bạc) được hiểu là tham gia chơi trong một lô đề, tham gia cá độ trong một trận bóng đá, tham gia cá độ trong một kỳ đua ngựa... trong đó người chơi có thể chơi làm nhiều đợt. trách nhiệm hình sự được xác định đối với người chơi một lần đánh bạc trong các trường hợp này là tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng để chơi trong các đợt đó.

Ví dụ 1: Tại kỳ đua ngựa thứ 39, tổ chức vào ngày 15-7-2010, trong khoảng thời gian từ 9 giờ đến 11 giờ A đã cá độ ba đợt cụ thể là đợt một 500.000 đồng, đợt hai 1.000.000 đồng, đợt ba 2.000.000 đồng, trong trường hợp này chỉ coi A đã đánh bạc một lần trong kỳ đua ngựa đó với tổng số tiền là 3.500.000 đồng.

Ví dụ 2: Ngày 20-7-2010, trong khoảng thời gian từ 10 giờ đến 16 giờ, B mua ba số đề trong một lô đề cụ thể là: mua số 17 với số tiền là 500.000 đồng, mua số 20 với số tiền là 2.100.000 đồng, mua số 25 với số tiền 3.000.000 đồng; trong trường hợp này, chỉ coi B đánh bạc một lần.

Trong các trường hợp nêu tại ví dụ 1 và ví dụ 2 trên đây, nếu số tiền cá độ đua ngựa, số tiền mua số đề của mỗi đợt từ 2.000.000 đồng trở lên thì cũng không được áp dụng tình tiết tăng nặng “phạm tội nhiều lần” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 của BLHS.”

Việc xác định số tiền hoặc giá trị hiện vật của người chơi đề, chủ đề; người cá độ, chủ cá độ dùng đánh bạc:

Đối với người chơi đề, cá độ: Trường hợp người chơi số đề trúng số đề, cá độ thắng cược thì số tiền mà họ dùng đánh bạc là tổng số tiền mà trước đó họ đã bỏ ra mua số đề, cá độ cộng với số tiền thực tế mà họ nhận được từ chủ đề, chủ cá độ. Ví dụ: B mua 5 số đề với tổng số tiền 100.000 đồng, tỷ lệ được thua 1/70 lần, trong đó có 4 số đề mua mỗi số 10.000 đồng, 1 số mua 60.000 đồng. Sau khi có kết quả xổ số, B đã trúng số đề đã mua 60.000 đồng. Trường hợp này, số tiền mà B dùng để đánh bạc là: 100.000 đồng + (60.000 đồng x 70 lần) = 4.300.000 đồng.

Trường hợp người chơi đề, cá độ không trúng số đề, không thắng cược hoặc bị phát hiện, ngăn chặn trước khi có kết quả mở thưởng thì số tiền mà họ dùng đánh bạc là tổng số tiền bỏ ra mua số đề, cá độ.

Đối với chủ đề, chủ cá độ: Trường hợp có người chơi số đề, cá độ trúng thưởng thì số tiền chủ đề, chủ cá độ dùng đánh bạc là toàn bộ số tiền thực tế mà chủ đề, chủ cá độ đã nhận từ những người tham gia chơi số đề, cá độ và số tiền mà chủ đề, chủ cá độ bỏ ra để trả cho người trúng. Ví dụ: D lả chủ đề của 5 người chơi đề khác nhau, mỗi người chơi một số đề là 50.000 đồng; tỷ lệ được thua là 1/70 lần và có 2 người đã trúng thưởng. Trong trường hợp này, số tiền mà D dùng để đánh bạc: 250.000 đồng + (50.000 đồng x 70 lần x 2 người) = 7.250.000 đồng.

Trường hợp không có người chơi số đề, cá độ trúng thưởng hoặc bị phát hiện, ngăn chặn trước khi có kết quả mở thưởng thì số tiền mà chủ số đề, chủ cá độ dùng đánh bạc là tổng số tiền mà họ nhận của những người chơi số đề, cá độ.

Chủ thể của tội phạm, bất kỳ người nào đủ 16 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự. Theo quy định tại Điều 12 BLHS, thì ng­ười từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm; người từ đủ 14 tuổi trở lên, như­ng ch­ưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Ng­ười có đủ năng lực trách nhiệm hình sự là ng­ười có đủ khả năng nhận thức đ­ược tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi mà mình thực hiện, có khả năng điều khiển hành vi theo hư­ớng có lợi hay không có lợi cho xã hội, hoặc có khả năng xử sự khác không gây nguy hiểm cho xã hội. Để kết luận một nguời có đủ năng lực trách nhiệm hình sự phải căn cứ quy định tại Điều 13 BLHS, theo quy định tại Điều luật này, những ng­ười không đủ năng lực trách nhiệm hình sự là: "Ngư­ời thực hiện hành vi nguy hiểm trong xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình". Nh­ư vậy, ng­ười có đủ năng lực trách nhiệm hình sự về tội rửa tiền là ng­ười có khả năng nhận thức đ­ược hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội bị luật hình sự cấm và có khả năng điều khiển hành vi của mình.

Mặt chủ quan của tội phạm, tội phạm này được thực hiện do lỗi cố ý. Mục đích nhằm tước đoạt tiền bạc, tài sản của nhau.

*Nhận xét chung

Thứ nhất, so với BLHS năm 1999 thì khoản 1 Điều 248 theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2009 giá trị tiền dùng đánh bạc rõ ràng hơn “từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng”trong khi đó khoản 1 Điều 248 BLHS năm 1999 quy định “giá trị lớn”, đồng thời theo hướng nhẹ hơn “hoặc dưới hai triệu đồng nhưng đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 249 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”, trong khi đó khoản 1 Điều 248 BLHS năm 1999 quy định cả với trường hợp người phạm tội bị xử phạt hành chính.

Thứ hai, so với Điều 248 BLHS năm 1999, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2009 đã bổ sung thêm cụm từ “trái phép” vào điều văn của điều luật, để phân biệt với trường hợp tham gia các trò chơi được thu bằng tiền hoặc hiện vật được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Hiện nay trong các khu vui chơi giải trí, hội chợ, hội xuân,… công khai tổ chức các trò chơi có thưởng và thu hút rất nhiều người tham gia, người chơi cứ tưởng việc tham gia của mình là “hợp pháp” nhưng thực tế chỉ do một số người đứng ra tổ chức để thu tiền. Trường hợp này, người tham gia chơi không bị coi là đánh bạc trái phép.

Thứ ba, cần phân biệt tội này với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139 BLHS), trường hợp đánh bạc hay tổ chức đánh bạc, gá bạc mang tính chất gian lận nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác thì có thể bị truy cứu TNHS về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

2. Những vướng mắc, bất cập từ thực tiễn xét xử:

Mặc dù BLHS đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và Nghị quyết 01/2010/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng quy định về tội đánh bạc tại Điều 248 của BLHS mới được ban hành, nhưng từ thực tiễn xét xử còn có nhiều vướng mắc, bất cập do quy định chưa rõ ràng, gây khó khăn khi xử lý các hành vi đánh bạc, cụ thể:

Thứ nhất, việc xác định tiền hoặc hiện vật dùng để đánh bạc. Theo khoản 1 Điều 248 BLHS (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định: “Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 249 của Bộ luật này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm”. Theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị quyết 01/2010 thì tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc được xác định từ các nguồn sau: a. Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc thu giữ được trực tiếp tại chiếu bạc; b. Tiền hoặc hiện vật thu giữ được trong người các con bạc mà có căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc; c. Tiền hoặc hiện vật thu giữ ở những nơi khác mà có đủ căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc. Người viết cho rằng việc quy định tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc chỉ bao gồm những tiền hoặc hiện vật thu giữ như hướng dẫn trên là chưa phù hợp, vì: Sẽ bỏ sót những khoản tiền hoặc hiện vật được dùng đánh bạc với trong trường hợp người tham gia đánh bạc chạy trốn mang theo, khi bị lực lượng chức năng ập vào, sau đó cũng không thu giữ được. Rõ ràng quy định này sẽ không công bằng đối với những người đánh bạc nhưng chấp hành tốt khi bị bắt quả tang.

Thứ hai, về số tiền xác định cấu thành tội đánh bạc quy định khởi điểm là 2.000.000 đồng. Vậy nếu tiền đánh bạc mà đối tượng sử dụng là ngoại tệ thì có được quy đổi thành đơn vị tiền tệ VNĐ để xử lý không?  Một thực tế khác, việc xác định tiền trong túi của người tham gia đánh bạc mang theo có phải là tiền dùng đánh bạc hay không đang là một vấn đề rất khó chứng minh của cơ quan chức năng, do vậy, hầu như chỉ dựa vào lời khai của người tham gia đánh bạc để làm căn cứ xác định, tùy thuộc vào lời khai và sự hiểu biết của người tham gia đánh bạc mà cách xử lý của pháp luật đối với từng trường hợp đánh bạc sẽ rất khác nhau. Theo quy định tại khoản 3 Điều 1 với điểm b khoản 4 Điều 1 của Nghị quyết 01/2010/NQ-HĐTP là mâu thuẫn nhau. Bởi khi tham gia chơi số đề, cá độ bóng đá một người có thể chơi với nhiều người (trong cùng một ngày M mua nhiều số đề của chủ đề P và mua nhiều số đề của chủ đề Q. Các số đề mà M mua của P và Q đều thuộc một đài xổ số kiến thiết của ngày hôm đó; trong một đợt đua ngựa, người cá độ có thể đánh bạc với một chủ cá độ và có thể đánh bạc với nhiều chủ cá độ) thì cơ quan tiến hành tố tụng có được cộng dồn lại để xử lý không? Một trường hợp khác cũng đang gây tranh cải trong cách xử lý, đó là, thực tế có sự phân biệt khi chơi giữa “ké với nhà cái”; “ké với người đánh bạc”, chẳng hạn, T hùn vốn với C (nhà cái) 15% giá trị thắng thua, nghĩa là nếu C thua thì T mất 15% số tiền mà C chung cho người thắng, ngược lại, nếu C thắng cược thì T được hưởng 15% số tiền C thắng cược. Vậy khi bị bắt T có cùng chịu trách nhiệm về toàn bộ số tiền mà C dùng đánh bạc hay chỉ chịu trách nhiệm về số tiền tương ứng 15% của mình hùn với C? Hoặc với trường hợp cá độ ké với người cá độ để ăn thua với nhà cái thì xử lý thế nào, gộp chung cùng chịu hay tách ra riêng từng người để xử lý? Và không phải lúc nào các bên cũng đưa ngay tiền khi thỏa thuận hoặc nếu có đưa ngay thì các chủ đề, chủ cá độ không bao giờ cất giữ các khoản tiền đó trong người. Theo quy định hiện hành, để xử lý TNHS trong các vụ án đánh bạc (chơi số đề, cá độ bóng đá) việc xác định số tiền đánh bạc là dựa trên các phơi đề, kèo cá độ của các chủ đề, chủ cá độ bị thu giữ. Như vậy, nếu chỉ những số tiền được thu giữ được từ các nguồn trên và chỉ căn cứ vào tiền hoặc hiện vật được thu giữ từ các nguồn quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị quyết 01/2010/NQ-HĐTP để xác định số tiền dùng đánh bạc thì công tác đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này sẽ không đạt hiệu quả như mong muốn, nhất là khó có thể chứng minh trường hợp “phạm tội nhiều lần” được quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 BLHS hoặc không thể truy cứu TNHS người đánh bạc với tình tiết định khung “có tính chất chuyên nghiệp” được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 248 BLHS theo  hướng dẫn tại các điểm c, d khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP.Vì vậy, cần bổ sung quy định khoản 3 Điều 1 Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP việc xác định tiền hoặc hiện vật dùng để đánh bạc mà không thu giữ được để khắc phục bất cập trên.

Thứ ba, đối với quy định về cộng dồn tiền hoặc hiện vật dùng để đánh bạc. Điểm a, điểm b khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP quy định: “Khi xác định TNHS đối với người đánh bạc không được tính tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng để đánh bạc của tất cả các lần đánh bạc, mà phải căn cứ vào từng lần đánh bạc để xem xét; cụ thể như sau:

a) Trường hợp tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của từng lần đánh bạc đều dưới mức tối thiểu để truy cứu TNHS (dưới 2.000.000 đồng) và không thuộc một trong các trường hợp khác để truy cứu TNHS (đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 249 của BLHS, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm) thì người đánh bạc không phải chịu TNHS về tội đánh bạc;

b) Trường hợp tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của lần đánh bạc nào bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu TNHS (từ 2.000.000 đồng trở lên) thì người đánh bạc phải bị truy cứu TNHS về tội đánh bạc đối với lần đánh bạc đó”.

Theo hướng dẫn này, dù một người tham gia đánh bạc rất nhiều lần mà các lần đó đều dưới 2.000.000 đồng và nếu họ chưa bị kết án về tội đánh bạc hoặc tội quy định tại Điều 249 BLHS thì người đánh bạc cũng không bị truy cứu truy cứu TNHS. Ví dụ: C có hành vi bán số đề liên tục trong 12 ngày, mỗi ngày bán được từ 1.750.000 đồng đến 1.950.000 đồng. Đến ngày thứ mười hai thì bị bắt quả tang, nhưng C lại không bị xử lý hình sự do các lần bán số đề của C đều dưới 2.000.000 đồng. Trong khi đó, H chỉ  bán số đề 01 lần với số tiền ghi trong phơi đề 2.050.000 đồng và bị bắt quả tang, theo quy định H phải bị truy cứu TNHS. Một bất cập khác, khi một người tham gia đánh bạc nhiều lần mà mỗi lần đều trên mức tối thiểu (02 triệu đồng) nhưng dưới 50 triệu đồng thì cho dù các lần cộng lại trên 50 triệu đồng thì cũng không thể truy cứu TNHS theo khoản 2 Điều 248 BLHS mà chỉ truy cứu TNHS theo khoản 1 Điều 248 và áp dụng thêm tình tiết tăng nặng phạm tội nhiều lần quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 BLHS. Rõ ràng hành vi phạm tội của người phạm tội nhiều lần sẽ nguy hiểm hơn nhiều so với hành vi của người chỉ đánh bạc một lần mà số tiền đánh bạc bằng hoặc trên mức tối thiểu không đáng kể nhưng họ lại chỉ bị truy cứu TNHS trong cùng khoản 1 Điều 248 BLHS. Vì vậy, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sớm nghiên cứu hướng dẫn cách cộng dồn số tiền đánh bạc để góp phần hạn chế tệ nạn này đang diễn biến có chiều hướng gia tăng như hiện nay.

Thứ tư, hành vi của người ghi số đề nếu đủ căn cứ để xử lý TNHS thì phải bị xử lý về tội tổ chức đánh bạc theo Điều 249 BLHS mới đúng tội và phù hợpvới hành vi khách quan của tội này, vì bản chất  không phải là một người đánh bạc với nhiều người để truy tố, xét xử về tội đánh bạc như hiện nay, người ghi đề - đúng như tên gọi, họ chỉ làm nhiệm vụ ghi lại những những con số đề, lô đề mà người chơi số đề đặt mua và thu tiền, rồi giao nộp phơi đề  đầy đủ cho chủ số đề trước khi có kết quả mở thưởng và họ nhận được khoản tiền “hoa hồng” từ chủ số đề. Như vậy, người ghi số đề với vai trò “trung gian” , họ không bỏ tiền ra để tham gia đánh bạc, không được thua bằng tiền hay hiện vật với người chơi số đề, chủ số đề ngoại trừ trường hợp họ vừa là người ghi số đề vừa là chủ số đề.

Thứ năm, về đồng phạm trong tội đánh bạc. Đối với hành vi tổ chức đánh bạc, Nghị quyết 01/2010/NQ-HĐTP hướng dẫn nếu không đủ yếu tố quy mô lớn thì xử lý người vi phạm về tội đánh bạc với vai trò đồng phạm. Điều này là không công bằng, không phản ánh hết tính chất nguy hiểm của tội phạm, vì nếu tổ chức đánh bạc với quy mô lớn với trường hợp không có tình tiết định khung tăng nặng thì chỉ bị xử theo khoản 1 Điều 249 BLHS (khung hình phạt từ một đến năm năm tù), còn nếu mức độ không phải là quy mô lớn thì bị xử về tội đánh bạc với vai trò đồng phạm ở khoản 2 Điều 248 BLHS (khung hình phạt từ hai đến bảy năm tù) rõ là không phù hợp thực tiễn.

Khoản 1 Điều 20 BLHS quy định: “Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm”.Trong thực tế hoàn toàn không có việc một người tự đánh bạc với chính mình; những người tham gia đánh bạc đều là cố ý với mong muốn tước đoạt tiền hoặc tài sản của người cùng chơi với mình. Mặt khác, theo hướng dẫn tại khoản 3 Điều 1 Nghị quyết 01/2010/NQ-HĐTP thì tiền hoặc hiện vật được xác định là tổng số tiền hoặc hiện vật mà các bên tham gia đánh bạc. Như vậy, tất cả các hình thức đánh bạc thì những người tham gia đánh bạc đều là đồng phạm của nhau.Tuy nhiên thực tiễn xét xử thấy rằng, nhiều vụ án có nhiều người đánh bạc với nhau, nhưng chỉ xử lý những người đánh bạc bị bắt quả tang, còn đối với người tham gia đánh bạc đánh một vài ván rồi nghỉ hoặc chạy thoát thân khi bị lực lượng chức năng truy bắt thì thường các cơ quan tiền hành tố tụng bỏ qua đối tượng này và cấp phúc thẩm cũng không hủy án do bỏ sót người phạm tội. Điều đó rõ là không hợp lý.

Thứ sáu, hiện nay đã xuất hiện khá phổ biến loại máy chơi game (bắn cá) loại máy tối đa có 08 người cùng chơi một lượt, mà theo đó, người chơi đặt tiền tính điểm (một điểm tương đương 100 đồng) số lượng người tham gia chơi khá đông trong đó có cả trẻ em, tuy được sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại địa phương, nhưng do sự quản lý thiếu chặt chẽ nên đã biến tướng thành hình thức đánh bạc (người chơi và chủ máy ngầm thỏa thuận việc quy đổi mệnh giá của thẻ), nếu bị phát hiện thì chỉ bị dừng lại ở mức tịch thu hoặc xử phạt hành chính chủ kinh doanh (nếu chưa đủ điều kiện truy cứu TNHS, hành vi đánh bạc trái phép sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 23 của Nghị định số 73/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội). Hoặc hình thức đánh bạc bằng phương tiện công nghệ cao thông qua các trang web cá cược mà máy chủ (Server) được đặt ở nước ngoài, thanh toán qua tài khoản thanh toán quốc tế, thì cũng chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể.

Thứ bảy, về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình. Ví dụ: Ngày 12/3/2013 Cơ quan điều tra đã có các Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội đánh bạc đối với Huỳnh V, quá trình điều tra xác định trong khoản thời gian từ tháng 01/2003 đến tháng 12/2005, V đã 07 lần tổ chức đánh bạc, số tiền thu lợi bất chính 26.450.000 đồng; từ tháng 6/2007 đến 9/2008, V nhiều lần tham gia đánh bạc với hình thức đá gà, đánh bài (xập- xám), cá độ bóng đá 06 trận với tổng số tiền 30.500.000 đồng, mãi đến tháng 3/2011 V mới bị bắt giữ trong khi đánh bạc. Xoay quanh việc xử lý trách nhiệm đối với V có các quan điểm khác nhau như sau: Quan điểm thứ nhất,vì hành vi tổ chức đánh bạc mà V thực hiện từ tháng 01/2003 đến tháng 12/2005 không bị khởi tố, nên hành vi đánh bạc mà V đã thực hiện từ tháng 6/2007 đến tháng 02/2008 cũng đã hết thời hiệu truy cứu TNHS. Quan điểm thứ hai, mặc dù tội đánh bạc mà V thực hiện từ những năm 2006 đến năm 2008 không bị khởi tố, vì đến tháng 3/2013 Cơ quan điều tra mới phát hiện và đã hết thời hiệu truy cứu TNHS, nhưng không vì thế mà cho rằng V không phạm tội, do tội tổ chức đánh bạc mà V thực hiện từ tháng 01/2003 đến tháng 12/2005 tính đến khi V phạm tội đánh bạc (6/2007 đến 9/2008) vẫn còn thời hiệu truy cứu TNHS. Người viết đồng tình với quan điểm này, vì khoản 3 Điều 23 BLHS chỉ quy định: nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 23 người phạm tội lại phạm tội mới mà Bộ luật này quy định mức cao nhất đối với tội ấy trên một năm tù, thì thời hiệu đã qua không được tính và thời hiệu đó đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày phạm tội mới. Chứ không quy định người phạm tội lại phạm tội mới và bị khởi tố. Như vậy, việc người phạm tội mới có bị khởi tố hay không bị khởi tố, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự còn hay hết không liên quan gì đến thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội cũ. Đối với trường hợp của Huỳnh V, trong các năm 2006, 2008 nếu không phạm tội đánh bạc thì đúng là thời hiệu truy cứu TNHS về tội tổ chức đánh bạc đã hết, nhưng vì trong các năm 2007 đến 2008 V lại phạm tội đánh bạc, nên thời hiệu đối với tội tổ chức đánh bạc của V phải được tính lại từ tháng 9/2008. Do vậy, việc khởi tố bổ sung đối với Huỳnh V về tội tổ chức đánh bạc là có cơ sở pháp lý.

3. Kiến nghị

Thứ nhất, hoàn thiện một số quy định tại Điều 1 Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP, cụ thể:

i)  Bổ sung vào khoản 3 Điều 1 Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP căn cứ xác định tiền hoặc hiện vật đánh bạc, đó là: d) tiền hoặc hiện vật khác mặc dù không bị thu giữ nhưng có căn cứ đã được hoặc sẽ được dùng vào việc đánh bạc.

ii) Bổ sung quy định mục 5.1 và mục 5.2 khoản 5 Điều 1 Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP theo hướng quy định tính tiền dùng đánh bạc dựa vào dựa vào thời điểm hành vi phạm tội đã hoàn thành. Mà theo đó, mục 5.1 và mục 5.2 khoản 5 Điều 1 Nghị quyết số 01/2010 được viết lại như sau:

 “5.1. Xác định số tiền hoặc giá trị hiện vật của người chơi đề, cá độ dùng đánh bạc

Số tiền mà người chơi số đề, cá độ dùng đánh bạc là tổng số tiền mà họ đã bỏ ra để mua số đề, cá độ.

5.2. Xác định số tiền hoặc giá trị hiện vật của chủ đề, chủ cá độ dùng đánh bạc

Số tiền chủ đề, chủ cá độ dùng đánh bạc là toàn bộ số tiền thực tế mà chủ đề, chủ cá độ đã nhận của những người chơi số đề, cá độ.”

iii) Bổ sung quy định hình thức cộng dồn đối với số tiền dùng đánh bạc, cụ thể, các điểm a, b khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP được viết lại như sau: Khi xác định TNHS đối với người đánh bạc không được tính tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng để đánh bạc của tất cả các lần đánh bạc, mà phải căn cứ vào từng lần đánh bạc để xem xét; cụ thể như sau:

a) Trường hợp tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của từng lần đánh bạc đều dưới mức tối thiểu để truy cứu TNHS (dưới 2.000.000 đồng) và không thuộc một trong các trường hợp khác để truy cứu TNHS (đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 249 của BLHS, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm) thì người đánh bạc không phải chịu TNHS về tội đánh bạc. Trừ trường hợp các lần đánh bạc được thực hiện một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian mà tổng số tiền các lần đánh bạc trên 2.000.000 đồng.

b) Trường hợp tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của lần đánh bạc nào bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu TNHS (từ 2.000.000 đồng trở lên) thì người đánh bạc phải bị truy cứu TNHS về tội đánh bạc đối với lần đánh bạc đó. Trong trường hợp này, số tiền các lần đánh bạc trên mức tối thiểu được cộng lại để xem xét việc định khung hình phạt.

Thứ hai, trường hợp người đánh bạc tham gia đánh bạc nhiều lần trong cùng một lô đề, một trận bóng đá, một kỳ đua ngựa nhưng không cùng với chủ đề, chủ cá độ mà với nhiều chủ đề, chủ cá độ khác nhau thì cách xác định một lần đánh bạc không dựa vào số chủ đề, chủ cá độ mà dựa vào giá trị số lô đề, số trận bóng đá, số kỳ đua ngựa mà người đánh bạc tham gia.

Thứ ba, cần hướng dẫn cụ thể hơn đối với trường hợp “ké bạc với nhà cái”; “ké bạc với người đánh bạc” làm cơ sở cá thể hóa TNHS khi xử lý; vấn đề tính thời hiệu truy cứu TNHS; hình thức đánh bạc qua mạng Internet, thanh toán qua tài khoản thanh toán quốc tế,…

Thứ tư, vấn đề định tội danh đối với người có hành vi ghi số đề, lô đề, đặt kèo cá độ; tiền hoặc hiện vật của đồng phạm đánh bạc trong trường hợp chạy thoát thân khi bị bắt quả tang. Thống nhất việc quy đổi ngoại tệ sang VNĐ khi tiền dùng đánh bạc là ngoại tệ

Kết luận 

Mặc dù BLHS năm 1999 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP hướng dẫn thi hành đối với Điều 248 của BLHS đã có cái nhìn thoáng hơn đối loại tội phạm này, nhưng từ những vướng mắc, bất cập từ thực tiễn đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này trong thời gian qua đã phát sinh những khó khăn nhất định khi áp dụng, nhất là đối với hành vi đánh bạc trái phép đang tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau và rất phức tạp. Trong lần sửa đổi, bổ sung  BLHS sắp tới, hy vọng những vấn đề nêu trên sẽ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Ban soạn thảo lưu tâm xem xét ghi nhận cụ thể trong quy định BLHS hoặc các văn bản dưới luật, nhằm góp phần đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả hơn loại tội phạm này trong thời gian tới.


Bất kỳ thắc mắc nào sẽ được luật sư giải đáp miễn phí cho bạn:

Công ty Luật Hoàng Sa có hơn 10 năm kinh nghiệm trong các lĩnh vực tư vấn pháp luật như:

 


       Quý khách liên hệ với chúng tôi

 CÔNG TY LUẬT TNHH HOÀNG SA

  12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN
  0911771155
  Luathoangsa@gmail.com
        Hotline:  0911771155 (Luật sư Giáp)
Thong ke

Khách hàng tiêu biểu

Đặt câu hỏi miễn phí

loichaobatdau Luật Hoàng Sa 
Hỗ trợ trực tuyến
Mọi câu hỏi sẽ được trả lời, gọi Luật sư: 0911771155 (Zalo)